Làm sao để học sinh không còn sợ học Văn? Có cách nào để môn Văn gắn liền với đời sống thực tế của các con? Giáo viên có thể làm gì để trang bị cho học sinh cách học, kĩ năng thay vì chú trọng vào nội dung kiến thức? Làm sao để học sinh bước qua nỗi sợ viết bài văn, sợ bị điểm kém?- những câu hỏi chứa đựng bao suy tư, trăn trở của mỗi giáo viên tổ Ngôn ngữ Việt-là định hướng để mỗi Thầy Cô giáo chuẩn bị cho những giờ học thú vị, bổ ích tại Hanoi Adelaide School.

Chúng tôi- những giáo viên tổ Ngôn ngữ Việt mong muốn không chỉ ở vai trò những người thầy, cô giáo mà thực sự trở thành những người truyền cảm hứng cho từng học sinh. Chúng tôi hướng dẫn các con khám phá các tác phẩm văn học, đi tìm những ẩn số sau mỗi tác giả, tác phẩm. Trên cơ sở đó, học sinh hình thành và phát triển những tình cảm thân quen, gần gũi. Đó là: tình yêu quê hương đất nước, tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, tình cảm giữa con người với con người. Từ đây, học sinh thấu hiểu và sở hữu cho riêng mình những giá trị Chân-Thiện-Mỹ, bồi đắp tâm hồn, làm phong phú thêm cuộc sống xung quanh các con.

Hơn thế nữa, qua từng giờ học, học sinh nghiên cứu nguồn gốc, giá trị của tiếng Việt với đời sống và văn hóa dân tộc. Với vốn tích lũy của riêng mình, học sinh sử dụng tiếng Việt một cách linh hoạt, hiệu quả; có ý thức bảo vệ, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và làm giàu thêm ngôn ngữ mẹ đẻ.

Văn học là nhân học”-với châm ngôn đó- học sinh được trao những cơ hội học-tập để có thể hình thành và phát triển tối đa các năng lực chung, năng lực giao tiếp và năng lực cảm thụ thẩm mĩ, để ngày mai mỗi học sinh bước ra từ cánh cửa Hanoi Adelaide School có thể Tự chủ- Tự lập-Sáng tạo, tự tin khẳng định bản thân theo cách riêng của mình.

( Cô Nguyễn Thị Tâm - Tổ trưởng tổ Ngôn ngữ Việt)